Các Ứng Dụng Của Tảo Biển Trong Đời Sống Con Người
Bạn có biết những năm gần đây, tảo biển hay rau của biển đã trở nên phổ biến ở Việt Nam và toàn thế giới. Tảo biển được xem như một thực phẩm vàng, một thực phẩm bền vững. Vậy tảo biển là gì và các ứng dụng của tảo biển trong đời sống con người như thế nào? Hãy cùng Ovanic tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Hiện nay, khi nhắc đến tảo biển và các sản phẩm từ tảo biển thì đa số mọi người chỉ chú ý về ứng dụng của tảo biển trong thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Ngoài các ứng dụng trên, tảo biển còn có các ứng dụng quan trọng, rất đáng chú ý khác trong công nghiệp và môi trường. Vậy các ứng dụng đó là gì? Các thách thức và giải pháp nào để ứng dụng tảo biển vào đời sống con người một cách an toàn và hiệu quả?
1. Tổng quan về ứng dụng của tảo biển trong đời sống con người
1.1. Khái niệm và đặc điểm của tảo biển
Tảo biển hay rau của biển là những dạng tảo mọc ở biển. Tảo biển đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh vật biển. Tảo biển là thức ăn vừa là môi trường sống cho nhiều loại sinh vật trong đại dương. Chúng có nhiều màu từ đỏ đến xanh lục, nâu đến đen.
Tảo biển mọc dọc theo các bờ biển đá trên khắp thế giới, nhưng phổ biến và nổi tiếng nhất ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tảo biển rất bổ dưỡng và các ứng dụng của tảo biển trong đời sống con người cũng rất đa dạng.
1.2. Vai trò của tảo biển trong đời sống con người
Tảo biển mang lại nhiều lợi ích cho đời sống con người như:
- Là nguồn dinh dưỡng: Tảo biển với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Tảo biển mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dù bạn sử dụng tảo biển như một loại thực phẩm hay một chất bổ sung. Về cơ bản, tảo biển chứa: chất đạm, chất béo, tinh bột, chất xơ, folate, riboflavin, thiamin, đồng, sắt, magiê, iốt, B12, chất chống oxy hóa, polysacarit sunfat (sPS),…
- Là nguồn thực phẩm bền vững: Từ lâu, tảo biển đã là một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày nay, tảo biển phổ biến trên toàn thế giới và được chế biến thành rất nhiều món ăn mới đa dạng như: sữa chua, bánh mì,…
- Ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe: Thực phẩm chức năng tảo biển có nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ chức năng tuyến giáp, cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng, tăng cường chức năng miễn dịch,… Tảo biển được sản xuất thành các dạng chế phẩm bổ sung và mỹ phẩm.
- Ứng dụng trong công nghiệp: Trong các lĩnh vực chăn nuôi (phụ gia thức ăn), trồng trọt (phân bón), nhiên liệu sinh học, nhựa tái chế,…
- Vai trò quan trọng với môi trường: Tảo biển giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái biển. Và qua quá trình quang hợp giúp giảm hiệu ứng nhà kính và cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
1.3 Sự đa dạng và phân loại của tảo biển
Có rất nhiều loại tảo biển trên thế giới. Tảo biển thường phân loại theo màu sắc. Các loại tảo biển thông dụng nhất là: tảo nâu (Phaeophyceae), tảo lục (Chlorophyta) và tảo đỏ (Rhodophyta). Người ta ước tính rằng 1.800 loài tảo nâu , 6.200 loài tảo đỏ và 1.800 loài tảo xanh được tìm thấy trong môi trường biển. Mặc dù tảo đỏ đa dạng hơn nhưng tảo nâu có kích thước lớn nhất.
- Tảo nâu: thường lớn và từ các loài nhỏ 30-60 cm đến các loài khổng lồ 20m. Chúng ưa phát triển ở vùng nước lạnh ở cả Bắc và Nam bán cầu, tốt nhất ở vùng nước có nhiệt độ khoảng 20°C. Sau khi phát triển kỹ thuật nuôi trồng, tảo biển làm thực phẩm chủ yếu đến từ nuôi trồng hơn là nguồn tự nhiên.
- Tảo đỏ: thường nhỏ hơn, có chiều dài từ vài cm đến khoảng một mét. Chúng có ở các vùng nước lạnh, vùng biển ôn hòa và ở vùng biển nhiệt đới, chẳng hạn như Indonesia và Philippines.
- Tảo xanh: nhỏ, đa số có kích thước hiển vi đến tương tự như rong đỏ. Chúng phát triển ở nước ngọt và nước mặn, một số được tìm thấy trên đất liền. Hầu hết, chúng thích nước ngọt. Tảo xanh được tìm thấy ở vùng biển ôn đới và nhiệt đới.
2. Các ứng dụng của tảo biển trong thực phẩm
2.1. Sự phát triển việc ứng dụng của tảo biển trong thực phẩm trên thế giới và ở Việt Nam
Tảo biển được xem như một thực phẩm siêu lành mạnh để bổ sung vitamin và khoáng chất. Sử dụng nó thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe và giúp bảo vệ bạn khỏi một số bệnh. Vì vậy, các ứng dụng của tảo biển trong thực phẩm trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng phát triển.
Trước đây, tảo biển chỉ phổ biến trong một số món ăn châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản). Hiện nay, tảo biển được bán rộng rãi trên toàn thế giới với hàng loạt các sản phẩm thực phẩm từ tảo biển. Chúng có thể được sử dụng trong nhiều món ăn: sushi, súp và món hầm, sa lát, món ăn vặt, thực phẩm bổ sung và sinh tố.
Ở Việt Nam, những năm gần đây tảo biển đã ngày càng được sử dụng phổ biến. Hàng loạt các món ăn với tảo biển không ngừng ra đời và nổi tiếng như: bánh tảo sấy khô, bánh vị tảo, tấm tảo để cuộn kimbap hay sushi, mì tảo, súp tảo, salad,… Cùng với đó, hàng loạt các cửa hàng ăn uống Hàn và Nhật mở ra khắp nơi góp phần làm cho nền văn hóa ẩm thực tảo biển ngày càng quen thuộc.
2.2. Các loại tảo biển được sử dụng trong thực phẩm và tính năng dinh dưỡng của chúng
Việc ứng dụng của tảo biển trong thực phẩm ngày càng phát triển. Một vài loại tảo biển phổ biến nhất:
- Nori: thường ở dạng tấm khô dùng để cuộn sushi.
- Rau diếp biển: nhìn giống lá rau diếp. Nó thường được ăn sống (salad) hoặc nấu trong súp.
- Tảo bẹ (Kelp): thường được sấy khô thành tấm và thêm vào các món ăn trong quá trình nấu nướng.
- Kombu: có hương vị đậm đà, được ngâm chua hoặc nấu súp.
- Arame: có vị ngọt nhẹ và kết cấu chắc, có thể được kết hợp vào nhiều món ăn, bao gồm cả đồ nướng.
- Wakame: thường làm salad rong biển tươi, nấu trong món hầm và súp.
- Dulse: có kết cấu mềm, dai được sử dụng để thêm hương vị cho món ăn và cũng có thể được ăn như một món ăn nhẹ.
- Tảo lục (Chlorella): thường được sử dụng dưới dạng thực phẩm bổ sung ở dạng bột hoặc nước.
- Tảo xoắn (Spirulina): được sử dụng ở dạng viên hoặc dạng bột.
Các loại tảo biển đều:
- Là một nguồn iốt đậm đặc có sẵn. Kelp, dulse và kombu là chứa hàm lượng iốt rất cao, sử dụng thường xuyên có thể ảnh hưởng chức năng tuyến giáp.
- Là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào khác: vitamin A, C, E và K, cùng với folate, sắt, kẽm, natri, canxi và magiê. Hơn nữa, nó là một nguồn chất béo omega-3 tốt.
- Chứa nhiều chất chống oxy hóa như: vitamin A, C và E, carotenoid và flavonoid.
- Cung cấp chất xơ và đường (polysacarit sunfat).
Các chất dinh dưỡng độc đáo trong các loại tảo:
- Các protein có trong Chlorella và Spirulina, chứa tất cả các axit amin thiết yếu.
- Fucoxanthin – một loại carotenoid trong tảo nâu như Wakame, Kelp, Kombu, Arame.
2.3. Các sản phẩm thực phẩm từ tảo biển
Việc ứng dụng tảo biển trong thực phẩm không chỉ dừng lại ở việc ăn sống, sấy khô hay chế biến thành nhiều món ăn chính. Ngày nay, các sản phẩm thực phẩm từ tảo biển cũng rất đa dạng và phổ biến. Với hàng loạt các sản phẩm thực phẩm: gia vị, nước sốt, bánh mì, mỳ, sữa chua,…Những món ăn từ tảo biển cũng rất thích hợp với người ăn chay và tiêu hóa kém.
Một số sản phẩm thực phẩm từ bảo biển như:
- Cơm cuộn (sushi, kimbap): tảo ở dạng tấm khô như Nori
- Salad: rau diếp biển, Wakame
- Súp: rau diếp biển, Kombu, Wakame
- Dưa chua: Kombu
- Món ăn nhẹ: Dulse, Nori, Kombu
- Đồ nướng: Arame
- Gia vị: Dulse
- Agar và carrageenan, các chất giống như thạch được sử dụng làm chất kết dính và chất làm đặc từ thực vật.
3. Ứng dụng của tảo biển trong sản xuất dược phẩm và chăm sóc sức khỏe
3.1. Các loại tảo biển được sử dụng trong sản xuất dược phẩm và chăm sóc sức khỏe
Chlorella và Spirulina là hai loại phổ biến hàng đầu trong sản xuất dược phẩm chăm sóc sức khỏe. Cả hai đều có các thành phần dinh dưỡng ấn tượng và những lợi ích sức khỏe tiềm năng. Ngoài hàng loạt các chất dinh dưỡng như: chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin, vi lượng, chất xơ, đường,…Các protein có trong tảo xoắn và tảo lục còn chứa tất cả các axit amin thiết yếu. Cơ thể bạn có thể hấp thụ chúng một cách dễ dàng.
Thành phần protein, carbohydrate, chất chống oxy hóa và chất béo của chúng rất giống nhau. Sự khác biệt về dinh dưỡng đáng chú ý nhất nằm ở hàm lượng calo, vitamin và khoáng chất.
Chlorella cao hơn trong:
- Calo
- Axit béo omega-3
- Tiền vitamin A
- Riboflavin
- Magie
- Sắt
- Kẽm
Tảo xoắn có lượng calo thấp hơn nhưng vẫn chứa một lượng lớn hơn:
-
- Thiamine
- Đồng
- Axit béo omega-6
- Protein
3.2. Các lợi ích của tảo biển trong chăm sóc sức khỏe
Không chỉ có hương vị độc đáo mà tảo biển còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe:
- Hỗ trợ chức năng tuyến giáp: Nhiều nghiên cứu [1] cho thấy, iốt và tyrosine có trong tảo biển sẽ giúp tuyến giáp của bạn hoạt động bình thường.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Các nhà khoa học đã nghiên cứu [2], tảo biển có thể giúp giảm cholesterol, huyết áp và nguy cơ đông máu. Đây là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Nhờ fucoxanthin, alginate và các hợp chất khác có thể giúp giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Kiểm soát cân nặng: Tảo biển có thể giúp bạn giảm cân vì: chứa rất ít calo, nhiều chất xơ làm chậm rỗng dạ dày, trì hoãn cơn đói giúp no lâu và chứa fucoxanthin đã được chứng minh về tác dụng tăng cường trao đổi chất.
- Tăng cường chức năng miễn dịch: Tảo biển cũng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi một số loại bệnh nhiễm trùng và chống lại vi-rút bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của chúng. Do có chứa các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa, chống dị ứng và chống lại bệnh tật.
- Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa: Với hai nguồn thức ăn cho vi khuẩn tốt đường ruột là chất xơ và polysacarit sunfat. Hàm lượng chất xơ cao hơn hầu hết các loại trái cây và rau quả.
- Giảm nguy cơ ung thư: Nhiều nghiên cứu [3] cho thấy, tảo biển giúp làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ. Và một số hợp chất có trong vài loại tảo nâu có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, bạn cần chú ý các loại tảo biển có hàm lượng iốt quá cao có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
- Các lợi ích tiềm năng khác về da, xương khớp: Tảo biển với các tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Chúng có thể bảo vệ và chống lại tổn thương da, bệnh về xương và các bệnh viêm nhiễm. Tảo biển giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia tử ngoại (UVB) khi thoa trực tiếp lên da. Chúng cũng giúp ngăn ngừa nếp nhăn, sạm nám và các vấn đề lão hóa da sớm.
3.3. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ tảo biển
Ứng dụng của tảo biển trong sản xuất dược phẩm và chăm sóc sức khỏe là nhờ vào các lợi ích về sức khỏe mà chúng đem lại. Ngày nay, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ tảo biển rất đa dạng và phổ biến. Với các sản phẩm như: thực phẩm chức năng, kem dưỡng da, tinh chất dưỡng tóc,…Bạn có thể dễ dàng chăm sóc sức khỏe từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Tất cả những gì bạn cần làm là việc lựa chọn sản phẩm một cách thông thái và phù hợp.
Một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ táo biển phổ biến trên thị trường hiện nay:
Thực phẩm chức năng: có thể ở dạng đơn lẻ hay kết hợp cả hai loại tảo. Sản phẩm cũng có thể ở dạng đơn chất hay phối hợp với các chất khác. Có các dạng như:
- Dầu tảo: Đây là một lựa chọn tốt cho những ai đang tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho omega-3 từ động vật.
- Dạng viên nang hay bột
- Dạng nước
Mỹ phẩm: đặc biệt trong các loại kem hoặc kem dưỡng da mặt, tay và cơ thể.
4. Ứng dụng của tảo biển trong công nghiệp và môi trường
4.1. Các sản phẩm từ tảo biển trong công nghiệp
Từ lâu, tảo biển đã được sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp:
- Bột tảo khô được sử dụng làm chất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi. Hay các dạng tảo tươi cũng được sử dụng cho ăn trực tiếp. Giá trị dinh dưỡng chủ yếu của tảo biển là cung cấp các khoáng chất, nguyên tố vi lượng và vitamin.
- Tảo biển như một chất phụ gia cho đất và có chức năng vừa là phân bón vừa là chất điều hòa đất. Ngày nay, với xu hướng canh tác hữu cơ, phân bón tảo biển ngày càng được ưa chuộng khi chứng minh được tính hữu ích của nó. Nó thường dựa trên tảo nâu vì chúng có sẵn với số lượng và kích thước lớn nhất. Chúng có hàm lượng nitơ và kali phù hợp, nhưng hàm lượng phốt pho thấp hơn nhiều so với phân động vật truyền thống.
- Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm khác từ tảo biển cũng phát triển mạnh mẽ như nhiên liệu sinh học, nhựa tái chế,…
Các sản phẩm phân bón từ tảo biển rất được ưa chuộng trong trồng trọt
4.2. Tảo biển và khả năng phục hồi môi trường biển
Tảo biển là một loại thực vật, nhờ khả năng quang hợp chúng làm tăng lượng oxy (O2) trong nước. Các loại tảo được cho là sản xuất hơn một nửa lượng O2 của Trái đất. Chúng hấp thu CO2, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tảo biển còn có khả năng tự làm sạch môi trường bằng việc hấp thụ các chất ở trong nước. Chúng góp phần lớn phân giải hợp chất hữu cơ phức tạp trong nước biển. Nhờ đó, tảo biển góp phần làm trong sạch và phục hồi môi trường biển.
Tảo biển cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh vật biển. Chúng vừa là nguồn thức ăn chính, vừa là môi trường sống cho nhiều loại sinh vật trong đại dương.
4.3. Các giải pháp và ứng dụng của tảo biển trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển
Nhờ khả năng phục hồi môi trường to lớn của tảo biển. Các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp và ứng dụng của tảo biển trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển.
Trồng tảo biển là giải pháp khả thi hàng đầu. Cách này vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển vừa mang lại lợi ích kinh tế.
Ví dụ: Sử dụng tảo biển để xử lý nước thải trong mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp. Tảo biển sẽ sử dụng chất thải từ cá, tôm, bào ngư để làm chất dinh dưỡng. Đây được xem như một giải pháp cho vấn đề bền vững của môi trường. Một số loài tảo biển thậm chí có thể hấp thụ cả ion kim loại nặng như kẽm và cadmium.
5. Những thách thức và giải pháp trong việc sử dụng tảo biển
5.1. Những vấn đề liên quan đến sản xuất, vận chuyển và lưu trữ tảo biển
Với xu hướng ưa chuộng thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch, nhu cầu về tảo biển sẽ ngày càng tăng cao. Bên cạnh nguồn tảo biển thu hoạch từ tự nhiên thì phần lớn tảo hiện nay được nuôi trồng. Tảo được nuôi trồng trên dây thừng hoặc lưới trên biển, hoặc trong bể hoặc ao trong các hệ thống trên đất liền. Ngành công nghiệp sản xuất tảo đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có không ít những vấn đề cần giải quyết đế sự phát triển đó bền vững.
Lợi ích khi tiến hành nuôi trồng tảo biển là rất to lớn. Tuy nhiên, công cụ nuôi trồng trong nước tăng lên sẽ làm các sinh vật biển dễ bị vướng vào. Quy trình nuôi trồng sẽ ảnh hướng lớn tới chất lượng tảo biển, thay đổi chất lượng nước và phá vỡ hệ sinh thái địa phương.
Việc vận chuyển và lưu trữ cũng là một vấn đề. Sau khi thu hoạch làm thế nào để đảm bảo được hàm lượng chất dinh dưỡng trong tảo biển? Giữ cho tảo biển có thể sử dụng được lâu hơn? Quá trình vận chuyển thuận tiện hơn? Dễ dàng sử dụng?….
5.2. Những thách thức về an toàn thực phẩm và độ bền vững của việc sử dụng tảo biển
Việc tăng cường trồng trọt và sử dụng tảo biển dự kiến sẽ là xu hướng của tương lai. Đây là một cách để đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực bền vững. Nó cũng giúp nền kinh tế thủy sản phát triển mạnh mẽ và góp phần bảo vệ môi trường. Do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng các vấn đề an toàn thực phẩm và độ bền vững của việc sử dụng tảo biển.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của tảo biển:
- Chủng loại
- Vùng nuôi trồng
- Phương pháp nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển và lưu trữ
- Vấn đề như kim loại nặng và độc tố sinh học trong tảo biển
- Vấn đề về hàm lượng thuốc nhuộm, chất bảo quản
Liệu tảo biển có trở thành một siêu thực phẩm bền vững hay không? Chúng có thể đáp ứng được các tiêu chí về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận không?
5.3. Các giải pháp để vượt qua các thách thức này
Khi nhu cầu toàn cầu tăng lên, điều quan trọng là tảo biển phải được sản xuất bền vững và có tác động tối thiểu đến môi trường tự nhiên. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần tìm ra các giải pháp để đảm bảo việc sản xuất rong biển bền vững và có trách nhiệm với xã hội.
Một vài giải pháp có thể xem xét áp dụng như:
- Nuôi trồng tảo một cách có hệ thống, quy trình cụ thể rõ ràng và chú ý về môi trường nuôi trồng.
- Cải thiện khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ để đảm bảo chất lượng tảo biển.
- Chế biến tảo biển thành dạng khô hoặc bột khô: ổn định lâu hơn, dễ vận chuyển và sử dụng.
- Các sản phẩm từ tảo biển phải đáp ứng các tiêu chuẩn từ các tổ chức uy tín: HACCP, ASC/MSC, ISO 22000, GAP, GMP,..
- Tăng độ đa dạng về các sản phẩm từ tảo biển hơn nữa.
Tảo biển là ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Các tác động về mặt sức khỏe, môi trường và kinh tế mà tảo biển mang lại là rất lớn. Vì vậy, các ứng dụng của tảo biển trong đời sống con người cũng cần được chú trọng. Với mục tiêu để cho tảo biển trở thành một siêu thực phẩm bền vững mới, hỗ trợ sự thịnh vượng của con người và hành tinh.
Bạn hãy thường xuyên theo dõi Ovanic.vn để cập nhật thêm những bài viết mới nhất về tảo biển được chia sẻ bởi chuyên gia của chúng tôi nhé. Mong rằng những bài viết của chúng tôi sẽ hữu ích đối với bạn.
Nguồn tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/nutrition/seaweed-healthy-nutritious#types-of-seaweed
- https://www.healthline.com/nutrition/why-seaweed-may-be-the-new-sustainable-superfood-plus-how-to-eat-it
- https://www.healthline.com/nutrition/benefits-of-seaweed
- https://www.fao.org/3/y4765e/y4765e00.htm
- https://www.fao.org/3/cc0846en/cc0846en.pdf