Hình ảnh mô tả về nguồn cung cấp vitamin A

Vitamin A là gì? Tìm hiểu về các loại Vitamin A và công dụng của chúng

Theo số liệu từ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, nước ta hiện có 13% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu Vitamin A. Con số này thể hiện các bé chưa được chăm sóc đầy đủ và có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu về trí tuệ, chiều cao và sức khỏe sau này. Theo đó, Ovanic xin gửi tới các bạn bài viết: Vitamin A là gì? Tìm hiểu về các loại Vitamin A và công dụng của chúng. Từ đó, giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về loại vitamin này cũng như đưa ra các biện pháp bổ sung dưỡng chất hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân yêu.

1. Giới thiệu về Vitamin A

1.1. Vitamin A là gì?

Vitamin A là một loại vitamin có đặc tính tan trong chất béo và có mặt trong nhiều loại thực phẩm. Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với thị lực, hệ thống miễn dịch, sinh sản, tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, loại vitamin này còn hỗ trợ các bộ phận như tim, phổi,…hoạt động ổn định và chính xác hơn.

Có hai dạng chính của vitamin A trong thực phẩm mà bạn nên biết, đó là:

  • Vitamin A có sẵn trong cá, các sản phẩm từ trứng, sữa,…
  • Provitamin A carotenoid là dạng tiền vitamin A có trong các loại trái cây, rau củ,… Sau khi đi vào cơ thể, nó sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Vitamin A là gì?
Vitamin A có đặc tính tan trong chất béo và tồn tại trong nhiều loại thực phẩm

1.2. Cấu trúc hóa học của Vitamin A là gì?

Vitamin A thuộc họ các hợp chất học retinoids và tồn tại ở nhiều dạng khác nhau trong tự nhiên. Cụ thể, trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa,… dạng chính của vitamin A là retinol. Trong khi đó, tiền chất của vitamin A trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như cà rốt, rau bina,… lại có dạng α,β,γ – caroten. 

Song nhìn chung, tất cả các dạng tồn tại của vitamin A đều có cấu trúc vòng Beta-ionon và gắn vào nó là chuỗi isoprenoit. Đây là dạng cấu trúc thiết yếu phục vụ cho hoạt động sinh hóa của vitamin.

Cấu trúc hóa học
Cấu trúc hóa học của Vitamin A

1.3. Liều lượng Vitamin A khác nhau theo từng độ tuổi và giới tính

Theo như Bộ Y Tế đã đề cập trong Thông tư Quy Định Về Quản Lý Thực Phẩm Chức Năng, lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày sẽ khác nhau giữa từng độ tuổi và giới tính. Thông tin chi tiết được thể hiện cụ thể ở bảng sau:

Độ tuổi/tình trạng sinh lý

Nhu cầu vitamin A được đề xuất (mcg/ngày)
Trẻ sơ sinh (<6 tháng tuổi) 375 
Trẻ sơ sinh từ 6-11 tháng tuổi 400
Trẻ em từ 1-3 tuổi 400
Trẻ em từ 4-6 tuổi 450
Trẻ em từ 7-9 tuổi 500
Nam vị thành niên 10-18 tuổi 600
Nữ vị thành niên 10-18 tuổi 600
Nam trưởng thành (từ 19 tuổi trở đi) 600
Nữ giới trưởng thành (từ 19 – 59 tuổi) 500 
Nữ giới trưởng thành (từ 60 tuổi trở đi) 600
Phụ nữ đang mang thai 800
Phụ nữ đang cho con bú 850

2. Vitamin A có tác dụng gì cho cơ thể?

2.1. Làm giảm tốc độ mất thị lực trung tâm do tuổi tác

Mất thị lực trung tâm theo thời gian là nguyên nhân điển hình dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin A trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe của mắt. Đồng thời, giúp mắt chống lại một số căn bệnh như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD).

Làm chậm thoái hóa điểm vàng
Bổ sung đầy đủ vitamin A giúp làm chậm thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác

2.2. Hỗ trợ chức năng hệ miễn dịch

Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn bằng cách kích thích cơ thể sản sinh ra các phản ứng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Ngoài ra, vitamin A còn góp phần tạo ra một số tế bào, chúng có vai trò trung tâm trong các phản ứng miễn dịch chống lại các gốc tự do, độc tố gây bệnh.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc bổ sung vitamin A cho người mắc bệnh sởi có tác dụng làm giảm tính nghiêm trọng của bệnh. Như vậy, bổ sung vitamin A có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe hệ miễn dịch. 

2.3. Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư

Theo một số nghiên cứu, các loại carotene thường có đặc tính chống oxy hóa cao. Do vậy, khi ăn các loại trái cây, rau củ chứa hàm lượng chất này cao có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư. Trong một phân tích tổng hợp năm 2015 về 26 nghiên cứu trước đó cho thấy lượng lycopene hấp thụ cao sẽ làm tăng khả năng bảo vệ cơ thể khỏi mắc ung thư tuyến tiền liệt. 

Ngoài ra, các nghiên cứu trên ống nghiệm cũng cho thấy rằng retinoids có khả năng ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư như là ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư bàng quang.

Ngăn ngừa ung thư
Vitamin A có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của một số loại ung thư

2.4. Hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở cả hai giới

Bổ sung đầy đủ vitamin A trong chế độ ăn uống là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo chức năng sinh sản của bạn khỏe mạnh. Nó cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tạo hình của thai nhi. Do vậy, trong trường hợp đang mang bầu hoặc muốn có thai, bạn nên chú trọng lượng vitamin A bổ sung cho cơ thể.

2.5. Duy trì làn da sạch sẽ, không nổi mụn

Retinol được chứng minh có khả năng cải thiện tình trạng mụn trứng cá trên da. Theo đó, việc bổ sung đầy đủ vitamin A giúp làm giảm nguy cơ da bị nổi mụn, da khô,… Lưu ý, tránh bổ sung vitamin A quá liều lượng bởi nó có thể dẫn đến tình trạng màu da bị thay đổi hoặc da bị khô.

cải thiện da khô
Vitamin A có công dụng trị mụn trứng cá trên da

3. Những nguồn cung cấp tốt nhất của Vitamin A là gì?

3.1. Bổ sung vitamin A từ thực phẩm là như thế nào?

Vitamin A có thể dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Cụ thể, bạn có thể bổ sung vitamin A bằng cách ăn các loại trái cây, rau củ có màu đỏ, cam, vàng như cà rốt, bí ngô, ớt đỏ,…Hoặc bạn có thể bổ sung vitamin A qua các sản phẩm có nguồn động vật như bơ, sữa, gan, dầu cá,…

thực phẩm bổ sung vitamin A
Một số loại thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau bó xôi,…

Dưới đây là một số thực phẩm có hàm lượng vitamin A cao mà chúng tôi muốn gợi ý cho bạn:

  • Một khẩu phần 3 oz gan bò có chứa 6.582 mcg vitamin A.
  • Một củ khoai lang nướng cả vỏ có chứa 1.403 mcg vitamin A.
  • Nửa cốc cà rốt sống có chứa 459 mcg vitamin A.
  • Mỗi chén đậu mắt đen luộc có chứa 66 mcg vitamin A.
  • Mỗi nửa chén rau cải bó xôi luộc có chứa 573 mcg vitamin A.

>>> Tìm hiểu đầy đủ về các loại thực phẩm giàu vitamin A

3.2. Bổ sung Vitamin A từ thực phẩm chức năng

Thông thường, lượng vitamin A được cung cấp từ các thực phẩm thông thường là vừa đủ để duy trì các chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, có một số trường hợp không thể thực hiện được điều này. Do đó, họ cần phải sử dụng đến thực phẩm chức năng để bổ sung đầy đủ lượng vitamin A mà cơ thể cần.

Sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin A giúp bạn bổ sung lượng vitamin mà cơ thể cần. Đồng thời, giảm các nguy cơ bị mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy, sởi,…do thiếu hụt vitamin gây ra.

thực phẩm chức năng
Bổ sung vitamin A thông qua các loại thực phẩm chức năng

>>> Tìm hiểu thêm: Các loại vitamin tốt cho sức khỏe

4. Nguy cơ khi thiếu vitamin A ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người?

Thiếu hụt vitamin A có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều mức độ khác nhau. Dưới đây là một số nguy cơ mà bạn có thể gặp phải khi không bổ sung đủ vitamin A cho cơ thể.

4.1. Nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm về mắt

Vitamin A là dưỡng chất có khả năng chống oxy hóa cao, có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Nếu thiếu vitamin A, cơ thể có thể mắc một số bệnh liên quan đến mắt như:

  • Quáng gà: Bạn sẽ gặp khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu. Dần dần dẫn đến tình trạng mù lòa, mọi thứ đều trở thành ban đêm.
  • Xerophthalmia: Mắt bị khô, đóng vẩy, dần có thể dẫn đến tình trạng hư võng mạc, giác mạc.
  • Đốm Bitot: Đây là tình trạng tích tụ chất sừng trong mắt, gây cản trở tầm nhìn và triệu chứng mờ mắt.
các bệnh về mắt
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến các bệnh về mắt như quáng gà, đỏ mắt,…

4.2. Nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, da khô, dễ nổi mụn

Thiếu vitamin A có thể làm cho các tế bào da chết khó bị loại bỏ khỏi nang lông hơn. Theo đó, da khó được làm sạch và có thể gặp tình trạng nổi mụn trứng cá. Nghiêm trọng hơn, da của bạn có thể bị nhiễm khuẩn, gây bong tróc, ngứa ngáy khó chịu.

khô da do thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A có thể gây ra tình trạng da khô, da bong tróc,…

4.3. Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Thiếu hụt vitamin A có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về chiều cao, thị lực, khả năng miễn dịch,… Theo đó, trẻ sẽ có những dấu hiệu như chán ăn, mệt mỏi, chậm phát triển chiều cao, dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp,…

5. Những điều cần chú ý sử dụng Vitamin A là gì?

5.1. Cách dùng liều lượng hợp lý vitamin A

Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe mà nhu cầu bổ sung vitamin A ở mỗi người sẽ khác nhau. Dưới đây là liều lượng vitamin được khuyến cáo bổ sung cho một số trường hợp điển hình:

  • Đối với trẻ em từ 1-3 tuổi: liều lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày là 1000 IU.
  • Đối với trẻ em từ 4-8 tuổi: liều lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày là 1300 IU.
  • Đối với trẻ em từ 9-13 tuổi: liều lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày là 2000 IU.
  • Đối với nam giới có độ tuổi từ 14-18: liều lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày là 3000 IU.
  • Đối với nữ giới có độ tuổi từ 14-18: liều lượng vitamin A cần bổ sung mỗi ngày là 2300 IU.
  • Đối với người có độ tuổi từ 19 trở lên: liều lượng vitamin A cần bổ sung không vượt quá 10000 IU/ngày.

Để bổ sung vitamin A hiệu quả nhất cho cơ thể, bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các bác sĩ có chuyên môn.

5.2. Những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe

Chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng tuyệt vời mà vitamin A mang lại cho sức khỏe con người. Song nếu bạn sử dụng không đúng liều lượng, bạn có thể vô tình biến dưỡng chất có ích này thành tác nhân gây hại. Cụ thể, nếu bạn sử dụng quá liều vitamin A, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ gây hại sau:

  • Xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nổi mẩn, mờ mắt, đau cơ,… Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ bị hôn mê và tử vong.
  • Sử dụng quá liều khi mang thai có thể dẫn đến trường hợp con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
  • Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác mà bạn có thể gặp phải như khô da, rụng tóc, chán ăn, lú lẫn, gan bị tổn thương, chậm phát triển,…

Do vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân, hãy xin ý kiến từ bác sĩ hay các chuyên gia dinh dưỡng trước khi muốn bổ sung thêm loại dưỡng chất này.

Uống vitamin A có tác dụng phụ
Sử dụng vitamin A quá liều lượng có thể gây ra một số tác dụng phụ có hại

5.3. Thời gian sử dụng hợp lý vitamin A là gì?

Là một loại vitamin tan trong chất béo nên thời điểm thích hợp nhất để hấp thu vitamin A đó là trong bữa ăn. Bởi khi dùng nó trong bữa ăn, các chất béo trong thực phẩm có thể làm tăng khả năng hòa tan của loại vitamin này. Từ đó, giúp hiệu quả hấp thu của cơ thể đạt tối đa.

Thông thường, cơ thể chỉ cần bổ sung một lượng nhỏ vitamin A để duy trì chức năng và hoạt động thường ngày. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể tự bổ sung đầy đủ lượng vitamin A mà cơ thể cần thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Bạn không nhất thiết phải sử dụng thêm các thực phẩm chức năng bởi nó có thể gây quá liều và tổn hại đến sức khỏe của bạn.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vitamin A mà Ovanic muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bản thân.

Nếu bạn cảm thấy bổ ích, hãy thường xuyên ghé thăm website của Ovanic để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới mỗi ngày nhé!

Kết luận:

Vitamin A đóng vai trò không thể thiếu trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ em. Từ việc cải thiện thị lực, tăng cường hệ miễn dịch, đến hỗ trợ sức khỏe sinh sản và làm đẹp da, vitamin A mang lại nhiều lợi ích đáng kể.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A cần được thực hiện một cách khoa học và cân nhắc liều lượng hợp lý để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Hy vọng những thông tin từ bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vitamin A và cách bổ sung hiệu quả cho cơ thể. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Ovanic để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích cho sức khỏe bạn nhé!

Nguồn tham khảo: 

  • https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-Consumer/
  • https://members.wto.org/crnattachments/2021/SPS/VNM/21_5170_05_x.pdf
  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Vitamin_A
  • https://www.healthdirect.gov.au/foods-high-in-vitamin-a
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/324493#sweet-potato
Đã duyệt nội dung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *